12 THƯƠNG HIỆU VIỆT BỊ THÂU TÓM (P2)

12 thương hiệu việt vô cùng nổi tiếng do người Việt sáng lập nhưng rốt cuộc đã bị các thế lực từ nước ngoài thâu tóm.

7. PHỞ 24 BÁN LẠI CHO VIET THAI INTERNATIONAL

Năm 2003, cửa hàng Phở 24 chính thức ra đời tại TPHCM. Tiến sĩ Lý Quí Trung, người sáng lập thương hiệu Phở 24, đã làm được việc mà chưa ai làm trước đó: nâng phở truyền thống của Việt Nam lên tầm món ăn trong nhà hàng sang trọng, có điều hòa mát mẻ, phục vụ tận tình.

Từ năm 2003 đến 2011, Phở 24 đã xây dựng được hệ thống khoảng 60 cửa hàng trên khắp cả nước, thậm chí vươn ra nước ngoài thông qua hình thức nhượng quyền với hơn 20 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Ông Trung không che giấu tham vọng khi tâm sự ông muốn “trở thành người đầu tiên phát triển trên mạng lưới toàn cầu cho chuỗi cửa hàng phở”, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản.

Vì phát triển ồ ạt trong khi quản lý hệ thống chưa tốt, cộng thêm khó khăn về mặt tài chính khiến nhiều cửa hàng lâm vào tình trạng đóng cửa. Một số cửa hàng nhượng quyền thì tự ý phá vỡ cấu trúc kinh doanh chung như thêm món ăn không thuộc thực đơn chuẩn của Phở 24, cắt bớt khẩu phần ăn, không bật máy lạnh… ảnh hưởng đến uy tín của cả thương hiệu.

Chẳng còn lựa chọn nào khác, ngày 11/11/2011, Phở 24 bán mình cho Viet Thai International, thuộc tập đoàn Jollibee đến từ Phillipines, chấm dứt ước mơ đưa thương hiệu phở Việt lên tầm quốc tế sau 9 năm phát triển.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng Phở 24 đã thất bại nhưng không thể phủ nhận đây là thương hiệu tiên phong, truyền cảm hứng cho những người đi sau tiếp tục xây dựng ước mơ về mệt nền ẩm thực mạnh, vượt ra khỏi quy mô hộ gia đình.

Sáu năm sau khi Phở 24 về tay tập đoàn nước ngoài, một nhân vật khác của Việt Nam, doanh nhân Hoàng Khải cũng xây dựng thương hiệu mới với tên Phở Ông Khải.

8. TRIBECO BÁN LẠI CHO UNI-PRESIDENT

Năm 1992, Công ty TNHH Tribeco (tiền thân của Công ty cổ phần Nước giải khát Sài Gòn – Tribeco sau này) được thành lập với vốn điều lệ 8,5 tỷ đồng, do Nhà nước nắm giữ 51%. Cuối năm 1999, công ty trở thành doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn khi cổ đông Nhà nước chuyển nhượng 51% vốn ra bên ngoài.

Tribeco là thương hiệu quen thuộc với nhiều người tiêu dùng nội địa. Trong hơn 20 năm có mặt trên thị trường thì có đến 11 năm liền, Tribeco lọt vào danh sách Hàng Việt Nam chất lượng cao. Thậm chí, sản phẩm sữa đậu nành và nước ngọt có gas của Tribeco còn được đề xuất chọn làm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP.HCM.

Tribeco là một trong những DN lên sàn chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên. Cổ tức tiền mặt hàng năm duy trì đều đặn ở mức 15% – 18%. Vì điều này, suốt một thời gian dài, cổ phiếu TRI trở thành hàng “hot” được săn đón bởi các quỹ đầu tư tên tuổi .

Năm 2005, lãnh đạo của Tribeco nhận ra rằng, nếu không hợp tác để đẩy mạnh sự phát triển thì sẽ bị các đối thủ nước ngoài “tiêu diệt”. Vì vậy, Tribeco đã bắt tay hợp tác với cổ đông lớn là Công ty cổ phần Bánh kẹo Kinh Đô (KDC) thông qua việc bán lại 35% cổ phần cho KDC. Điều này, lúc đó được xem là tốt cho cả hai phía với những giá trị cộng hưởng hứa hẹn. Hai năm sau, Tribeco tiếp tục hợp tác với đối tác chiến lược Uni-President.

Được hậu thuẫn bởi hai “đại gia” tầm cỡ ngành thực phẩm, cổ đông Tribeco có lý do để kỳ vọng DN sẽ có những đột phá về doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, ngược lại, kết thúc năm tài chính 2008, Tribeco gây ra cú “sốc” lớn với toàn thị trường khi công bố lỗ 145 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5,32 tỷ đồng dù 3 quý đầu năm báo lãi. Sau cú “sốc” đó, Tribeco bắt đầu “mất lái”, liên tiếp 12/13 quý sau đó toàn thua lỗ. Quý duy nhất có lãi là từ thu nhập bất thường của hoạt động chuyển nhượng cổ phần.

Tính đến cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Theo thông báo của Tribeco tại đại hội cổ đông, 7 tháng đầu năm 2012, công ty lỗ khoảng 100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng Tribeco đã trở thành nạn nhân trong cuộc chơi đầy toan tính của các “ông lớn”, đặc biệt là một nhà đầu tư nước ngoài đầy kinh nghiệm như Uni-President. Với việc đẩy Tribeco rơi vào cảnh buộc phải giải thể, nhà đầu tư nước ngoài này được độc chiếm thương hiệu Tribeco.

Sau khi hợp tác với Kinh Đô, với tham vọng đưa Tribeco lên tầm cao mới, hai bên đã góp vốn đầu tư xây dựng nhà máy Tribeco Bình Dương (2006) và Tribeco miền Bắc (2007), trong đó Tribeco đều góp 80% vốn cho cả hai dự án, phần còn lại là của KDC.

Tuy nhiên, theo đánh giá thì do chiến lược sai lầm, hai nhà máy này không những không phát huy hiệu quả mà đẩy Tribeco vào cảnh nợ nần và trượt dài. Hậu quả là khi Nhà máy Tribeco Bình Dương đưa vào hoạt động cuối năm 2007 với công suất hơn 40 triệu két/năm và tiếp theo là Nhà máy Tribeco miền Bắc vào năm 2008 nhưng sản lượng tiêu thụ của Tribeco ngày càng “teo” lại. Theo số liệu của Tribeco, trong năm 2005 DN này tiêu thụ được khoảng 8,14 triệu két, nhưng từ năm 2007-2010 sản lượng tiêu thụ chỉ xoay quanh con số 6 triệu két/năm.

Trong tình thế lỗ, đi vay vốn để cầm cự, Tribeco còn phải gánh vác nợ và các khoản chi cho Tribeco Bình Dương và Tribeco miền Bắc. Không những thế, khi vẫn đang còng lưng trả lãi cho các khoản vốn vay đầu tư các nhà máy, Tribeco lại vung tay đầu tư mua cổ phiếu KDC, Kidos và Sabeco.

Đầu tư tài chính, chi phí lãi vay khi đầu tư dự án, việc trích lập dự phòng nợ khó đòi kết hợp với chi phí lập kênh phân phối, chi phí khi tung sản phẩm mới ra thị trường… khiến Công ty thua lỗ lớn.

Và khi Tribeco Bình Dương thua lỗ nặng vào cuối năm 2008, Tribeco Sài Gòn sau đó đã dần dần bán hết phần vốn còn lại trong Tribeco Bình Dương cho chính Uni-President Việt Nam. Năm 2010, Tribeco Sài Gòn bán hết cổ phần ở Tribeco miền Bắc.

Ngoài ra, sau khi Tribeco Bình Dương đi vào hoạt động, Tribeco Sài Gòn đã quyết định đóng cửa hai nhà máy cũ tại TP.HCM. Như vậy, với việc giảm tỉ lệ nắm giữ và sau đó là bán hết vốn trong Tribeco Bình Dương, Tribeco Sài Gòn chỉ giữ vai trò là nhà bán hàng, hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn hàng do Tribeco Bình Dương cung cấp, mà thực chất là của Uni-President Việt Nam.

Một công ty đang ăn nên làm ra như Tribeco lẽ ra khi kết hợp với 2 đối tác lớn thì phải mạnh lên, thế nhưng, thực tế lại thua lỗ liên tục và dẫn đến giải thể, những công ty liên kết dần thuộc về tập đoàn nước ngoài từng là đối tác của mình, đây là điều thật khó hiểu. Từ đó, dư luận trong giới đầu tư cho rằng Uni-President đã có chủ đích thâu tóm và phải chăng chính một số cổ đông lớn đã tiếp tay?

Trong đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 6/2012 của Tribeco, toàn bộ người của Kinh Đô đã đồng loạt từ nhiệm, nhường chỗ cho người của Uni-President. Thành viên HĐQT người Việt Nam sau đó cũng đã từ nhiệm. Kinh Đô thoái vốn hoàn toàn khỏi Tribeco. Như vậy, Tập đoàn Đài Loan nay đang kiểm soát toàn bộ thương hiệu nước giải khát Việt Nam.

Uni-President Việt Nam nắm quyền chi phối và sở hữu 100% Tribeco Bình Dương, giờ ung dung hưởng lợi. Với việc đẩy Tribeco rơi vào cảnh buộc phải giải thể, nhà đầu tư nước ngoài này được độc chiếm thương hiệu Tribeco gắn với “đuôi” Bình Dương, chưa kể còn được hưởng một thị phần đáng kể của sản phẩm này mà không phải tốn một đồng để xây dựng thương hiệu.

Sau khi khai tử thương hiệu Tribeco Sài Gòn, Tập đoàn Uni-President đã lên kế hoạch giải quyết cho những CBNV ở Sài Gòn có nhu cầu tiếp tục làm việc tại Bình Dương. Cán bộ nhân viên của Tribeco Sài Gòn đã không khỏi ngậm ngùi tiếc nuối cho một thương hiệu của Việt Nam đã được dày công xây dựng trong hơn 20 năm qua, đến nay hoàn toàn nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài. Câu hỏi mà họ băn khoăn chính là, khi đã nằm trong tay nước ngoài, số phận thương hiệu Tribeco sẽ như thế nào? Liệu có theo chân của một loạt các thương hiệu mạnh Việt Nam trước kia đã bị khai tử?

9. SABECO BÁN LẠI CHO VIETNAM BEVERAGE


Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, tên giao dịch Sabeco (Saigon Beer-Alcohol-Beverage Joint Stock Corporation), là một doanh nghiệp cổ phần tại Việt Nam. Mặc dù là công ty cổ phần nhưng Nhà nước vẫn nắm gần 90% vốn điều lệ doanh nghiệp này và Bộ Công Thương đóng vai trò là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco (2016). Tổng Công ty là chủ sở hữu của thương hiệu bia Saigon và 333. Tháng 12 2017, công ty con của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi là Công ty TNHH Vietnam Beverage mua trọn 53,59% cổ phần nhà nước chào bán tại Sabeco với giá tiền là 4,8 tỷ USD.

– 01/06/1977 Công ty Rượu Bia Miền Nam chính thức tiếp nhận và quản lý Nhà máy Bia Chợ Lớn từ hãng BGI và hình thành nên Nhà máy Bia Sài Gòn

– 1981 Xí nghiệp Liên hiệp Rượu Bia NGK II được chuyển đổi từ Công ty Rượu Bia Miền Nam

– 1988 Nhà máy Bia Sài Gòn trở thành đơn vị hạch toán độc lập trực thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Rượu Bia NGK II

– 1989 – 1993 Hệ thống tiêu thụ với 20 chi nhánh trên cả nước. Sản phẩm của Công ty Bia Sài Gòn đã có mặt tại Nhật, Úc, Mỹ, EU, Singapore, Hongkong.

– Năm 2000, Công ty Bia Sài Gòn là doanh nghiệp sản xuất bia đầu tiên của Việt Nam đạt và vượt mốc sản lượng 200 triệu lít/năm

– Ngày 06/12/2016, cổ phiếu SABECO chính thức lên sàn House với giá khởi điểm 110.000 đồng

– Chiều 18/12/2017, Bộ Công Thương đã tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343,66 triệu cổ phiếu Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ.

– Việc Vietnam Beverage mua thành công toàn bộ 53,59% cổ phần tại Sabeco do nhà nước Việt Nam bán ra, đồng nghĩa là doanh nghiệp Thái Lan đã gián tiếp sở hữu và có quyền chi phối hoạt động của Sabeco và thâu tóm thành công một thương hiệu có mạng lưới phân phối và hoạt động hiệu quả nhất trong ngành bia rượu tại Việt Nam. Công ty TNHH Vietnam Beverage, công ty thành lập tháng 10/2017 tại Hà Nội với vốn điều lệ 681 tỉ đồng. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán), lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy tính. Công ty này được Công ty CP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100%. Công ty Beerco Limited lại sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam. Beerco Limited lại là công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage – tập đoàn đồ uống Thái Lan thuộc sở hữu của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có trụ sở tại Hồng Kông – Trung Quốc.

https://ibrandvn.com/12-thuong-hieu-viet-bi-thau-tom-p1.html

10. VISO BÁN LẠI CHO UNILEVER


Viso là một nhãn hiệu bột giặt lâu đời và cũng là một trong những niềm tự hào của Việt Nam. Thuở mới khai sinh, Viso là tài sản của riêng ông Trương Văn Khôi, người được mệnh danh là “vua bột giặt Viso”.
Viso là một sản phẩm hướng tới người tiêu dùng ở phân khúc bình dân với mức giá cả phù hợp với túi tiền của đại đa số bộ phận công chúng. Chất lượng của Viso cũng là một trong những yếu tố được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao. Viso luôn chiếm được thị phần đáng kể trong phân khúc bột giặt. Mặc dù được đánh giá khá cao cả về giá cả lẫn chất lượng, tuy nhiên, Viso không thể giữ được thương hiệu bột giặt thuần Việt.

Khi mới bước đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam, Unilever cũng như rất nhiều tập đoàn đa quốc gia khác chọn hình thức liên doanh để từng bước tiếp cận thị trường. Unilever khi đó đã hợp tác với nhiều công ty bột giặt đang có thị phần lớn ở trong nước để thành lập liên doanh. Và các liên doanh như Lever-Viso, Lever-Haso lần lượt được ra đời. Không dừng lại ở đó, các tập đoàn đa quốc gia còn tìm đủ mọi cách để có thể biến những liên doanh như vậy thành công ty 100% có vốn nước ngoài. Và trường hợp của Lever-Viso cũng không là ngoại lệ. Từ một doanh nghiệp thuần Việt, Viso đã trở thành liên doanh và cuối cùng thương hiệu Viso đã hoàn toàn không còn là của người Việt nữa.

11. BIBICA BÁN LẠI CHO LOTTE

Bibica – thương hiệu nổi tiếng và có thị phần khá lớn ở Việt Nam – đã bị tập đoàn Lotte tiến hành thâu tóm trong khoảng thời gian khá dài, cụ thể, Lotte đã mua 4,6 triệu cổ phiếu (tương đương 30,15%) trên sàn từ năm 2007, sau đó một năm tức là năm 2008 lại mua thêm 5,5% cổ phần nữa, chiếm tỷ lệ sở hữu lên đến 35,65%.

Tại thời điểm đó có những ý kiến cho rằng với các quy định về nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phiếu của bất cứ công ty cổ phần nào, Lotte không thể nào hoàn toàn chiếm lĩnh được Bibica. Tuy nhiên 51% cổ phần vẫn còn thuộc về Bibica lại nằm rải rác ở rất nhiều cổ đông khác nhau, trong khi toàn bộ công nghệ, kỹ thuật, chiến lược và cả những chức vụ quan trọng nhất như chủ tịch HĐQT đều do Lotte nắm giữ, thì thực sự Lotte đã vận hành Bibica theo guồng máy của riêng họ.
Và sự thật chính là vào thời điểm tháng 3/2012, không cần sở hữu đến 49%, Lotte đã nắm giữ vị trí chủ chốt và quyền điều hành quan trọng nhất trong công ty Bibica thông qua hai chức danh vô cùng quan trọng là chủ tịch HĐQT và giám đốc tài chính.

12. BIA HUDA BÁN LẠI CHO CARLSBERG

Được xem là thương vụ đình đám nhất trong việc thâu tóm thị trường bia của Việt chính có lẽ chính là việc “đổi quốc tịch” cho bia Huế. Công ty Bia Huế (Huda) được thành lập từ năm 1990 với tên gọi là nhà máy Bia Huế. Vào giữa những năm 90, các công ty bia địa phương đều rơi vào tình trạng khó khăn. Họ buộc phải tìm lối thoát cho mình bằng cách chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc là sáp nhập vào các công ty bia lớn hơn, có tên tuổi để có thể gia công sản phẩm cho họ. Bia Huế luôn muốn khẳng định hình ảnh thương hiệu của mình nên đã cố gắng tìm cách đi khác. Tuy nhiên, cho tới năm 1994, Huda Huế đã hợp tác với tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) dưới hình thức liên doanh, mỗi bên góp vốn 50%. Từ lúc đó trở đi, công ty TNHH bia Huế (Huda) chính thức ra đời. Nhanh chóng bia Huda trở thành thương hiệu lớn ở miền Trung và công ty bia Huế được đánh giá là 1 trong số 4 đại gia của làng bia Việt Nam (3 cái tên còn lại là Sabeco, Habeco và Bia Việt Nam). Sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh và liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg đã lộ rõ ý đồ thâu tóm khi mua lại phần lớn vốn của đối tác Việt Nam là ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế để Huda Huế từ một đơn vị liên doanh trở thành một công ty 100% vốn nước ngoài.

Theo Sage Academy